Chia sẻ đôi lời về thị trường đồng hồ đeo tay ở Việt Nam
Tôi nhớ xe Goebel máy Sachs của Đức tung hoành thị trường Sài Gòn (ngày xưa ba tôi cũng có 1 chiếc và dùng để chở tôi đi học), tôi nhớ Vespa, Lambretta, Honda, Harley được ưa chuộng biết bao ở thị trường Việt Nam và đối với đồng hồ thì có Omega, Longines, Rado, Orient, v.v…. Đến hiện nay, các hiệu này vẫn tồn tại ở Việt Nam. Một số vắng bóng trong một thời gian dài rồi quay lại. Ở đây 2 hiệu phổ biến nhất – tồn tại qua thời gian tại VN cho 2 lĩnh vực này có lẻ là Honda và Omega.
Và ở lĩnh vực âm thanh, ở “Ta” đã có cả thời kỳ dài khát khao, ước muốn dàn loa là nghĩ tới Sansui, AKAI, TEAC , Yamaha…của Nhật. Bây giờ dân chơi HI-END coi những thứ ấy chỉ là hàng tầm thấp mà thôi. Tôi nghĩ là Honda, Omega không chịu phải số phận như Sansui, AKAI, TEAC , Yamaha.
Việt Nam hiện nay là 1 trong những đất nước đang phát triển nhanh nhất trên thế giới. Cách đây khoảng hơn 10 năm, tôi có làm 1 cuôc phỏng vấn – thăm dò không chính thức về các nhãn hiệu đồng hồ đeo tay ở 4 đối tượng ở thị trường TPHCM: Nhà phân phối, nhà bán lẻ, người đeo và người chơi đồng hồ. Kết quả cho thấy: Rolex đứng 1; Omega: 2; Longines:3; Rado: 4; Movado: 5 và tiếp theo sau đó là các hãng của Nhật đứng đầu là Seiko, Citizen, Orient …
Cách đây không lâu khoảng 1 năm trước, sau khi nghiên cứu VN đã và đang phát triển nhanh theo từng năm (GDP: 5-10%/năm), tôi làm lại 1 cuộc thăm dò tương tự thì nhận thấy có sự thay đổi khá nhiều: Có khá nhiều hiệu ĐH đã vào thị trường này và xu hướng người chơi và người đeo đã thay thế bằng Patek Phillipe, Frankc Muller,Piaget, Cartier, IWC, JLC, Tag Huer, Rolex, Vacheron Constantin, Tissot, Panerai, breguet, Speake Marin, Breitling, Piaget, Tudor, v.v…
Hiện đến tháng 12-2012, chúng ta đã có chính thức các nhãn hiệu Thụy sỹ như sau tại VN: Cartier, IWC, JLC, Tudor, Tag Huer, Rolex, Panerai, Audemars Picguet, Baume & Mercier, Breitling, Bulgari, Chopard, Frederic Cónstant, Corum, Edox, Louis Erad, Ferrari, Porsche Design, Hamilton, LV, Maurice Lacroix, Monblanc, Oris, Ralph Lảurent, Perrelet, Piaget, Swacth, Flik Flak, Tissot, Armald Nicolet …
Về giá và xu hướng chơi đồng hồ, theo nghiên cứu của riêng tôi trong 10 năm nay, có một điều thú vị là giá trị cao nhất đồng hồ được mua đều ở miền Bắc, với tầm giá trên 100 ngàn USD – 200 ngàn USD. Người miền Nam ít khi nghe nói chơi đồng hồ ở tầm này nhưng số lượng người chơi từ 5 ngàn USD đến 100 ngàn USD thì xem ra số lượng người chơi đông hơn rất nhiều.
Giới người đeo đồng hồ hiện nay khác trước nhiều so với khoảng thời gian 10 – 20 năm trước. Họ không chỉ xem giờ mà còn xem chúng như đồ trang sức để thay đổi. Tissot, Longines, Seiko có giá rẻ hơn Omega, hiện tiêu thụ rất mạnh ở thị trường này. Omega ở VN khá đắt so với các nước lân cận (cũng như Honda) nên tiêu thụ rất chậm. Cũng theo thăm dò của riêng tôi, nếu bạn (giới trung lưu) chọn mua đồng hồ, thì chọn hiệu gì? Đa số đều nói Rolex hoặc hiệu nào cao cấp mà lạ lạ 1 tý. Tôi hỏi: “Tại sao không chọn Longines hay Omega?” Họ nói: “Hiệu đó bây giờ thường quá, ai cũng có. Tôi không thích đeo hiệu mà ra đường ai cũng như ai”….
Còn gần đây qua diễn đàn đồng hồ hàng hiệu Việt Nam mà tôi có dịp tham gia 2 tuần nay, tôi nhận thấy giới trẻ quan tâm nhiều đến đồng hồ Đức, Ý và các kiểu hiện đại. Điều này rất hiếm thấy cách đây 5 năm (dĩ nhiên người miền Bắc đã có rất nhiều năm đam mê đồng hồ Liên Xô cũ).
Giới trẻ bắt đầu yêu thích các dòng đồng hồ sports của Đức và của Thụy Sỹ ở tầm giá trung bình – thấp như Stowa, Laco, Nomos, Seiko, Citizen, Swatch,G-shock Casio, Junghans, Zeno, Hamilton, Sinn, Tutima, và thậm chí cả Steinhart và các kiểu đh homage. Cấp cao hơn thì như Panerai, G.O và A.Lange. Đây cũng là điều đáng mừng vì điều đó thể hiện 1 xu thế chơi đồng hồ cơ ở giới trẻ đang dần hình thành theo một xu hướng mới.
Trở lại trong giới chơi Đồng hồ, theo thăm dò tôi nhận thấy Omega vẫn còn mạnh ở dòng vintage nhưng dòng Omega mới thì ít không ai chơi, trừ giới trẻ – có thể do giá Omega ở đây quá cao hay 1 số cũng muốn “né” Omega. “Cựu vương Omega” trong giới chơi, vẫn còn vị trí trong top 5, nhưng trong giới đeo thì Omega đã bị thay thế đi rất nhiều. Người tiêu dùng ngày nay đã thay đổi do họ có nhiều lựa chọn hơn, và hiểu biết hơn về thế giới đồng hồ.
Dòng Omega vintage (xưa) hiện nay cũng đã yếu đi nhiều ở Thị trường TPHCM. Ở miền Bắc Omega vintage xem ra vẫn còn mạnh. Omega vintage mạnh nhất trên thế giới vẫn là Trung Quốc, Hongkong và Việt Nam. Giới người Hoa ở Indonesia, Thailand, Malaysia, Singapore đã giảm chơi Omega Vintage rất nhiều trong 5 năm qua.
Chúng ta thử nhìn sang các nước lân cận như HKG, Singapore, Thailand, Malaysia, Indonesia, Philiipines, chúng ta sẽ thấy vi trị của Omega ngày nay cũng đã xuống thấp đi nhiều trong con mắt của giới chơi lẫn giới đeo – có lẻ 1 phần cũng do chiến lược của Omega kể từ đầu thập niên 90 đến nay chạy theo xu hướng thương mại hóa. Vì như các bạn đã biết trên thế giới còn rất nhiều hãng nổi tiếng và kỹ thuật hay hơn nhiều – đang du nhập vào thị trường VN.
Riêng tôi thấy Omega Vintage có cái hay nên trong 15 năm qua, tôi sưu tập được khoảng 30 chiếc. Và gần đây, tôi bán ra hầu hết ra Hà Nội và quyết định chỉ giữ 3 chiếc mà thôi.
Về Rolex, theo tài liệu “Swiss Watch Making Industry” ấn bản năm 2011, và các tạp chí của Nhật – các số cuối năm 2012 – cho biết cả thế giới (tính luôn VN) nó vẫn còn là “Most popular watch brand” – Nhãn hiệu đồng hồ thông dụng nhất trên thế giới – và cũng từ đó nó tiếp tục có tỷ lệ giả (fake) nhiều nhất. Tôi bán đi khá nhiều những nhãn hiệu tầm thấp trước kia sưu tập – chơi và luôn giữ lại dòng Rolex Sport – thậm chí còn mua thêm nếu có thể. Như 1 anh trên diễn đàn từng nói ví von: “Đổi đàn cá Thu lấy 1 con cá Mập”.
Rất cám ơn các bạn đã bỏ thời gian ra đọc
Nguồn: Sưu tầm